Ẩn số Enterprize Energy – ông chủ dự án điện gió lớn nhất Việt Nam

Ẩn số Enterprize Energy – ông chủ dự án điện gió lớn nhất Việt Nam

Theo đuổi suốt nhiều năm qua, song siêu dự án của Enterprize Energy tới nay vẫn chưa được bổ sung quy hoạch. Trong bối cảnh đó, thì người ta lại biết tới doanh nghiệp này cùng dự án Thăng Long Wind nhiều hơn qua các chiến dịch truyền thông đầy tính chuyên nghiệp.

nhadautu - dien gio ngoai khoi

Dày công theo đuổi dự án điện gió Thăng Long Wind, song tiềm lực tài chính và mục tiêu của Enterprize Energy khi đề xuất dự án vẫn là một dấu hỏi.

Siêu dự án Thăng Long Wind

Có công suất 3.400 MW cùng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD, Thăng Long Wind (ngoài khơi Mũi Kê Gà, Bình Thuận) là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay được đề xuất.

Chủ đầu tư dự án là tập đoàn được giới thiệu đến từ Anh Quốc Enterprize Energy, với sự hợp tác cùng Société Générale (SOC GEN), MHI Vestas Offshore Wind (MVOW), ODE.

 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh năng lượng Việt Nam 2020 ngày 22/7/2020 tại Hà Nội, Enterprize Energy đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) để cung cấp thiết bị và dịch vụ cho Dự án với liên danh nhà thầu trong nước Vietsovpetro & PVC-MS.

Cuối năm 2019, nhà đầu tư này tổ chức hội thảo với tựa đề: “Thăng Long Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”, với đại ý dự án đi vào hoạt động sẽ bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt, đặc biệt tại khu vực phía Nam, đồng thời tạo ra đột phá cho nền kinh tế khi có tỷ lệ nội địa hoá lên đến 50%. Trước đó, ngày 5/7/2019, Enterprize Energy cùng Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo về việc bổ sung dự án Thăng Long Wind vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030.

Cách thức truyền thông mang tính chất chuyên nghiệp của Enterprize Energy có phần khác biệt so với phần nhiều dự án năng lượng tái tạo khác đang trong giai đoạn xin cấp phép.

Enterprize Energy nhận được Giấy phép khảo sát dự án Thăng Long Wind ngày 13/6/2019, sau chừng 2 năm tiếp cận dự án. Diện tích khảo sát dự kiến 2.800km2, trong đó khu vực dự án là 2.000km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800km2.

Theo thuyết minh của nhà đầu tư, nếu được cấp phép theo đúng kế hoạch, giai đoạn I của dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo ThangLong Wind II, ThangLong Wind III, ThangLong Wind IV, ThangLong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là Thăng Long Wind VI với công suất 400 MW.

Ngày 17/2/2020, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn số 526/UBND-KT về việc đồng ý kiến nghị bổ sung dự án Thăng Long Wind vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Tuy nhiên tại công văn số 1931 ngày 19/3/2020 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch, Thăng Long Wind không có trong danh sách, với lý do dự án này vận hành giai đoạn 2022-2027, trong khi chỉ đề xuất bổ sung quy hoạch với các dự án vận hành trước tháng 11/2021.

Trước đó, nhiều băn khoăn về dự án này đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nêu ra tại Công văn số 195 ngày 24/2/2020. Trong đó có 3 đầu mục quan trọng, là tính cần thiết của dự án (nguy cơ dư thừa công suất); nhà đầu tư yêu cầu ưu đãi giá điện 9,8UScents/kWh kể cả sau mốc 11/11/2021; và ngành điện phải đầu tư đường dây 500kV dài 270km chỉ để phục vụ dự án này với số giờ vận hành thấp.

Trong văn bản phản hồi gửi Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo ngày 4/3/2020, Enterprize Energy cho biết sẵn sàng hỗ trợ thu xếp vốn cho dự án đường dây 500kV nếu được yêu cầu. Về hai vấn đề đầu, doanh nghiệp này đề xuất được áp dụng giá mua điện 9,8UScents/kWh kể cả sau mốc 1/11/2021 bởi đây là dự án rất lớn, áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến nhất thế giới, tỷ lệ nội địa hoá lên tới 50-70%, tạo ra doanh thu 600 triệu USD mỗi năm cho các ngành dịch vụ kèm theo…

Dù vậy, như đã biết, trong công văn của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 19/3 đã không có cái tên Thăng Long Wind.

Định danh Enterprize Energy

Trong lúc này, một vấn đề rất được quan tâm, là Enterprize Energy – nhà đầu tư siêu dự án Thăng Long Wind gần 12 tỷ USD, là ai?

Theo giới thiệu tại website chính thức (https://enterprizeenergy.com/), Enterprize Energy được thành lập năm 2009, ngoài Thăng Long Wind, đã và đang triển khai 2 dự án điện gió khác, là Ormonde Wind Farm công suất 150MW ở Iceland hay tổ hợp Hai Long – Hai Long 3 tại eo biển Đài Loan có tổng công suất 1.000 MW.

Tuy nhiên, trong khi dự án Ormonde đã được bán cho tập đoàn Thuỵ Điển Vattenfall năm 2009, thì tổ hợp điện gió tại Đài Loan dù khởi động từ năm 2012, song tới nay vẫn ghi chú thời gian hoàn thành là năm 2022. Ở một chi tiết ít biết, lãnh đạo Enterprize Energy từng tiết lộ chỉ trực tiếp sở hữu 20% phần vốn trong dự án Hai Long Wind Farm.

Chủ tịch hiện nay, đồng thời là người sáng lập của Enterprize Energy – ông Ian Hatton mang quốc tịch Anh, được giới thiệu có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vục phát triển năng lượng, từ dầu, khí và nay là năng lượng tái tạo.

Ông Ian Hatton chính là người sáng lập và là CEO của Eclipse Energy – nhà phát triển dự án Ormonde. Sau khi bán dự án Ormonde, ông Ian mở ra Enterprize Energy nhằm phát triển và khai phá tiềm năng đầu tư điện gió ngoài khơi, với việc thành lập Baryonyx Corp ở Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội ở Vịnh Mexico hay thành lập Yushan Energy năm 2013 tập trung vào thị trường Châu Á.

Với tham vọng lớn, cùng siêu dự án tỷ đô Thăng Long Wind đang đề xuất ở Việt Nam, Enterprize Energy được hình dung là một “ông lớn” trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên theo dữ liệu của Nhadautu.vn, quy mô của doanh nghiệp ngoại này lại khá khiêm tốn, với tổng tài sản đến cuối năm 2018 chỉ là 7,7 triệu USD. Con số này 1 năm trước đó thậm chí chỉ là 193.668 USD, cùng khoản lỗ luỹ kế hơn 1,4 triệu USD.

Năm 2017, Enterprize Energy lỗ trước thuế 246.832 USD, năm 2016 lỗ 111.765 USD, trước khi báo lãi 7,9 triệu USD năm 2018, là cơ sở giúp tổng tài sản tăng mạnh, như đã đề cập.

Nhờ khoản lãi này, dòng tiền của Enterprize Energy cũng trở nên sôi động hơn đáng kể trong năm 2018, với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 2,5 triệu USD, từ hoạt động đầu tư dương gần 8 triệu USD và từ hoạt động tài chính âm gần 0,3 triệu USD, so với con số vài chục nghìn USD các năm trước đó.

Người sáng lập Ian Raymond Hatton dù hiện nay vẫn được giới thiệu rộng rãi với vai trò Chủ tịch, song trên thực tế đã thoái vốn khỏi Enterprize Energy từ cuối tháng 9/2020. Gần như cùng thời điểm, ông Ian ngày 15/9/2020 thành lập Enterprize Energy Group Pte. Ltd và sở hữu 2,25 triệu cổ phần của doanh nghiệp này, ngày 17/9/2020 thành lập tiếp Enterprize Star Dragon Pte. Ltd – cổ đông của chính Enterprize Energy – nhà đầu tư đề xuất dự án Thăng Long Wind.

Ngoài ra, ông Ian còn là Giám đốc điều hành tại Dragonwind Pte. Ltd, Yushan Energy Pte. Ltd hay Dragonwind Pte. Ltd.

Tại Enterprize Energy, một số lãnh đạo cấp cao khác là Giám đốc Chen Tsung-Hua (người Trung Quốc), Giám đốc Valerie Lim Lee Huang (Singapore), Giám đốc quản lý Malcolm Cameron Garrity (Anh), thư ký Wong Hui Qi Audrey (Singapore).

BẠN CẦN THÊM THÔNG TIN ?

CHÚNG TÔI CAM KẾT TƯ VẤN ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN VÀ HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ CHO CÁC BẠN !

Các bạn vui lòng điền số điện thoại để nhận được tư vấn miễn phí.

Đối tác của chúng tôi

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ QUỐC TẾ PHONG VÂN