Bia Saigon bị làm 'nhái' như thế nào?
Những người cũ của Sabeco lập một công ty với tên gọi na ná rồi kết nối với chính đại lý của Sabeco để phân phối sản phẩm "nhái" Bia Saigon.
Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố vụ án Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sau khi phát hiện hơn 9.000 thùng "Bia Saigon Vietnam" có mẫu mã tương tự "Bia Saigon" - nhãn hiệu được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Bia Saigon của Sabeco (trái) và "Bia Saigon Vietnam". Nhiều cơ sở bán hàng cho biết, không hề phân biệt được vì mẫu mã và kiểu dáng quá giống nhau. Ảnh: Thi Hà.
Nguồn tin của VnExpress cho biết, những lãnh đạo liên quan công ty bị tố xâm phạm Bia Sài Gòn từng là người cũ của Sabeco.
"Bia Saigon Vietnam" - loại sản phẩm được tố xâm phạm quyền sở hữu được Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam ký hợp đồng hợp tác sản xuất và mua bán hàng hóa với Cơ sở sản xuất Bia BiVa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Công ty này có tên gần giống với thương hiệu bia của Sabeco do ông Lê Đình Trung làm tổng giám đốc và cũng từng là người đại diện theo pháp luật. Ông Trung từng là trợ lý của một phó tổng giám đốc Sabeco (đã nghỉ hưu) trước khi làm trưởng phòng pháp chế cũng nhiều vị trí khác nhiều năm trước đây.
Không chỉ vậy, bà Trần Thị Ái Loan - người mới được thay thế làm đại diện pháp luật thay ông Trung tại Công ty Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam cũng từng là đại lý lớn phân phối cho Sabeco 4 năm nay. Tài liệu báo cáo kinh doanh của công ty cho thấy, tổng doanh số 4 năm (2017-2020) doanh nghiệp của bà Loan bán sản phẩm cho Sabeco lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Bà Loan là người đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất và mua bán hàng hóa với ông Vũ Tuấn Châu, chủ cơ sở sản xuất bia BIVA để sản xuất bia mang nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" dưới tư cách tổng giám đốc và tung ra thị trường từ tháng 5/2020.
Nhãn hiệu sản phẩm, kiểu dáng của Bia Saigon Vietnam và của Sabeco (bên phải). Ảnh: Việt Dũng.
Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho biết, địa chỉ trụ sở chính của công ty này, khi mới lập, được đặt tại lầu 9, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn (quận 1). Trong khi đó, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn (quận 1) cũng là địa chỉ đã được Sabeco lựa chọn để đặt trụ sở làm việc chính từ nhiều năm qua.
Trụ sở đã được thay đổi sau đó và dời về Nơ Trang Long (Bình Thạnh) nhưng trên bao bì sản phẩm "Bia Saigon Vietnam" vẫn để giữ nguyên địa chỉ tại lầu 9, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn (quận 1) càng khiến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ngoài Bia Sài Gòn Việt Nam, bà Loan còn đang sở hữu thêm 2 doanh nghiệp nữa là Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn Ái Quốc và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Ái Loan có địa chỉ đăng ký tại Đăk Nông và TP HCM.
Tháng 5, Sabeco phát hiện sản phẩm "Bia Saigon Vietnam" cũng có kiểu dáng, logo giống với "Bia Saigon" nên giao Công ty Aliat Legal - đơn vị được HĐQT Sabeco ủy quyền - đã gửi mẫu sản phẩm gửi tới Viện Khoa học Sở hữu Trí Tuệ (Viện) để giám định. Kết luận giám định ngày 19/6 của viện này khẳng định tất cả dấu hiệu trên các lon và vỏ thùng in chữ "Bia Saigon Vietnam", "hình khiên đứng", "hình con rồng" cho thấy đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Từ đây, Sabeco đề nghị Cục Quản lý thị trường Bình Phước và Bà Rịa Vũng Tàu vào cuộc. Ngày 23/6, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện tại doanh nghiệp tư nhân Hồ Ngọc (Đồng Xoài, Bình Phước) trữ 605 thùng bia với bao bì Bia Saigon Vietnam. Đơn vị này giải thích đây là lô hàng giữ hộ cho Hộ kinh doanh Tý Hon – đơn vị được Bia Sài Gòn Việt Nam bán 1.300 thùng bia với giá 159.300 đồng một thùng.
Bia Saigon Vietnam được đóng thùng thành phẩm tại cơ sở sản xuất Bia BiVa. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng ngày, tại cơ sở sản xuất bia Biva ở ấp Bắc 2, xã Hòa Long (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng có 4.712 thùng bia "Bia Saigon Vietnam" thành phẩm, 116.700 vỏ lon bia (loại 330 ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy cactông) có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ của Sabeco.
Ông Vũ Tuấn Châu - chủ cơ sở Biva - khai nhận với quản lý thị trường đã xuất xưởng hai lần, mỗi lần 2.200 thùng bia thành phẩm này. Họ sản xuất sản phẩm trên dựa theo tài liệu pháp lý phía Bia Sài Gòn Việt Nam cung cấp, không nhận thức được việc hợp tác tạo ra sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Sabeco.
Theo nhà chức trách, các sản phẩm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Sabeco được sản xuất, phân phối không chỉ trên trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước mà còn cả ở Đăk Lăk, Sóc Trăng, Cần Thơ... với số lượng rất lớn. Điều này đã trực tiếp gây ra thiệt hai rất lớn về mặt doanh thu của Sabeco.
Nói với VnExpress, lãnh đạo Sabeco cho rằng, vụ việc trên gây tổn hại rất lớn đến uy tín và thương hiệu của hãng. Không những vậy, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi mua phải sản phẩm gây nhầm lẫn trên. Sabeco đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc để bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng.
Thi Hà