Không còn là ông vua di động, Nokia giờ đây lại có sức ảnh hưởng theo một cách khác. Mạnh mẽ không kém.
* “Nokia” trong bài viết này là Nokia Oyj, phần còn lại của công ty Phần Lan sau khi bán mảng di động, không bao gồm thương hiệu điện thoại Nokia đang do HMD Global sở hữu.
Nokia đã giữ lại danh mục hàng nghìn các loại bằng sáng chế khác nhau. Trong nỗ lực thay đổi phương thức kinh doanh của mình, chính những bằng sáng chế đó đã khiến Nokia phải ra tòa với Daimler AG, chủ sở hữu thương hiệu xe hơi Mercedes-Benz.
Giờ đây, trên mỗi chiếc xe hơi luôn xuất hiện hàng loạt các thiết bị điện tử. Công nghệ không dây cho phép người lái xe có thể phát nhạc hoặc quay số các dịch vụ khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Miếng mồi thơm và quyền lực mới
Thông thường, các nhà sản xuất xe hơi yêu cầu những nhà sản xuất linh kiện của họ, có thể là Continental AG hoặc Robert Bosch AG, xử lý mọi vấn đề về tiền bản quyền và sẽ thanh toán tiền cho các nhà cung cấp linh kiện này.
Trong nỗ lực đơn giản hóa các quy trình và tối ưu lợi nhuận, một số công ty công nghệ như Qualcomm, Sharp và Nokia đã kết hợp để tạo ra nhóm Avanci LLC, đại diện cho họ thu tiền bản quyền từ ngành công nghiệp xe hơi bằng cách đưa ra mức giá cố định cho mỗi chiếc xe. Mức giá đó hiện nay là 15 USD/xe cho công nghệ 4G.
“Phải có một giải pháp và chúng tôi cảm thấy mình chính là giải pháp đó. Các mức giá mà chúng đưa ra hợp lý cho giá trị của công nghệ trên xe hơi”, Kasim Alfalahi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Avanci nhận xét.
Rắc rối xảy ra khi Daimler không đồng ý và không muốn trả tiền cho Avanci. Thay vào đó, công ty này muốn duy trì thông lệ của các nhà cung cấp thông qua hình thức trao đổi và thương lượng nhằm tiết kiệm chi phí bản quyền.
Nokia đã bảo vệ phương án của mình tại các phiên tòa ở Munich, Dusseldorf và Mannheim. Tại đây, công ty Phần Lan đã đạt được một chiến thắng quan trọng, có thể cấm Daimler bán xe hơi ở Đức, sân nhà của nhà sản xuất xe.
Tuy nhiên, lệnh cấm bán xe hơi sẽ chỉ được xảy ra khi Nokia đăng ký tài sản thế chấp trị giá 7 tỷ euro (8,3 tỷ USD). Đây là một sự rủi ro lớn đối với hãng công nghệ lâu đời này.
Vào ngày 10/9, Sharp tiếp tục giành chiến thắng trong một phiên tòa ở Munich, có thể dẫn tới phán quyết cấm các phương tiện của Daimler, qua đó gây thêm áp lực lên nhà sản xuất xe hơi của Đức.
Daimler cho biết họ muốn tiếp cận một cách công bằng với tất cả các bằng sáng chế về công nghệ. Mặt khác, Nokia cho biết họ đã đưa ra những đề nghị công bằng và hợp lý cho Daimler cũng như cả những đối tác của mình.
Những ảnh hưởng vượt ra khỏi ngành xe hơi
Phán quyết đối với Daimler có thể gây ảnh hưởng đối với nhiều ngành khác. Không chỉ trên xe hơi, các công nghệ không dây còn được sử dụng ở hầu hết sản phẩm điện tử khác như tủ lạnh, máy giặt hoặc các thiết bị y tế.
Đối với Nokia và các công ty cùng ngành, xe hơi chỉ là bề nổi. Còn rất nhiều ngành nghề khác cũng vướng phải những tranh cãi xung quanh vấn đề bằng sáng chế.
“Hôm nay là ngành công nghiệp xe hơi, còn ngày mai có thể là những ngành công nghiệp khác. Tại một số thời điểm, hầu hết ngành nghề sẽ phụ thuộc vào kết nối không dây và họ phải giải quyết những vấn đề này”, Atif Bhatti, một luật sư về bằng sáng chế tại Frankfurt nhận xét.
Đối với Nokia, đây có thể là một “trận chiến” đáng để tranh đấu, nhất là khi họ đã đánh mất vị thế của mình trên thị trường sau rất nhiều năm.
Doanh thu từ các bằng sáng chế và giấy phép thương hiệu của Nokia đạt 1,5 tỷ euro vào năm ngoái, qua đó biến các hoạt động kinh doanh này trở thành một trong bốn lĩnh vực kinh doanh chính của hãng. Nokia cho biết hầu hết hãng smartphone trên thế giới đều là khách hàng mua bản quyền của họ.
Vụ việc giữa Nokia và Daimler chỉ là một phần của cuộc chiến được tiến hành bởi các công ty hợp nhất dưới sự bảo trợ của Avanci. Sharp và Nokia đã cùng đệ đơn kiện Daimler. Ngược lại, một số nhà cung cấp bao gồm TomTom và Bosch đang hỗ trợ Daimler trong vụ kiện này.
Trong khi đó, Continental cũng đã khởi kiện Avanci ở Mỹ và kêu gọi Ủy ban châu Âu vào cuộc nhằm ngăn chặn hành động mà họ coi là cạnh tranh không lành mạnh.
Giống như Daimler, Continental cho rằng công nghệ cần được chia sẻ theo các điều kiện công bằng. Họ cho rằng khoản phí 15 USD sẽ khiến họ không còn chút lợi nhuận nào. Đó là chưa kể các công ty khác, không thuộc Avanci, cũng muốn được trả tiền bản quyền.
Daimler vẫn còn hy vọng ở phiên tòa ở Dusseldorf, khi các thẩm phán cho biết họ muốn tòa án cấp cao nhất của Liên minh Châu Âu xem xét về các vấn đề tranh chấp. Đây là một cột mốc pháp lý quan trọng đối với Daimler.
Nhưng các phán quyết gần đây ở California và London, cũng như chiến thắng ở Mannheim của Nokia đã mang lại nhiều lợi thế cho những công ty sở hữu bản quyền công nghệ.
“Đến cuối cùng mọi thứ đơn giản là vì tiền. Thực sự không có bất kỳ vấn đề nào khác ngoài tiền bạc”, Giáo sư Jorge Contreras của Đại học Utah, chuyên gia về bản quyền, nói với Bloomberg.
Hà Anh | MarketingTrips