Nhiều công ty lớn có chức năng quản lý, tư vấn về nội dung cho các YouTuber ở Việt Nam. Đây là đầu mối để các cơ quan hữu trách xử lý các video vi phạm.
Chiều 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn Hưng, chủ kênh YouTube Hưng Vlog 7,5 triệu đồng vì vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Đằng sau các video nhảm không chỉ có YouTuber
Tuy vậy, mức phạt này vẫn chưa đủ để khiến YouTuber “Hưng Vlog” ngừng tạo ra những nội dung nhảm nhí, câu kéo lượt xem. Chỉ chưa đầy một tháng, Nguyễn Văn Hưng tiếp tục ra một video khác với nội dung hướng dẫn trẻ ăn trộm tiền đăng tải trên kênh Hưng Troll.
Chiều 7/10, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cho biết Thanh tra sở đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, 28 tuổi, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc. Căn cứ Nghị định của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xử phạt Hưng 10 triệu đồng.
Trong phần giới thiệu của kênh YouTube Hưng Vlog, hàng loạt kênh con đang hoạt động như Hưng Troll, Bà Tân Vlog, Ngọc Lan Vlog, Hưng Vlog… Việc tạo nhiều kênh YouTube như vậy gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát nội dung.
Không riêng Hưng Vlog, một số kênh khác như Lâm Vlog, Thắng Cá Chép, Dương Ka… cũng làm những nội dung gây ảnh hưởng đến trẻ em nhưng vẫn nằm ngoài sự quản lý.
Khác với Facebook, các nhà sáng tạo nội dung YouTube sống được là nhờ nguồn tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Nguồn tiền này chảy từ YouTube về các Multi Channel Network (mạng đa kênh), sau đó đến tay các YouTuber.
Như vậy, việc xử phạt YouTuber là chưa triệt để bởi đằng sau đó còn có đội ngũ quản lý, kiểm duyệt thông tin của mạng đa kênh. “Trong trường hợp của kênh YouTube Hưng Troll, đằng sau đó là sự hậu thuẫn từ mạng đa kênh Điền Quân”, một nguồn tin yêu cầu giấu tên nói với Zing.
Trên fanpage chính thức của Điền Quân, mạng đa kênh này cũng nhiều lần chia sẻ video của Hưng Troll để tăng lượt xem. Như vậy, nếu kênh YouTube Hưng Troll bị phạt thì vai trò của network Điền Quân cũng có phần trách nhiệm.
Hiện kênh YouTube có tên Hưng Troll đã ẩn hầu hết video sau khi đăng tải nội dung hướng dẫn trẻ em ăn cắp tiền.
“Việc ẩn những video này là phản ứng thường thấy của các YouTuber khi kênh gặp vấn đề về nội dung. Cách này có thể gọi là xóa dấu vết”, Quan Dũng, người có kinh nghiệm làm YouTube hơn 6 năm chia sẻ.
Theo ông Dũng, chỉ có 3 bên biết những gì một kênh YouTube từng đăng tải là YouTube, chủ kênh và mạng lưới đa kênh. Nếu muốn truy lại những sai phạm trước đây của kênh này, phải làm việc với mạng đa kênh.
Mạng đa kênh hay network YouTube là các tổ chức, công ty bên thứ ba làm cầu nối cho người sáng tạo nội dung (creator hay còn gọi là YouTuber) với YouTube.
Công việc chính của mạng lưới MCN là thay YouTube kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ cho chủ kênh các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiếm tiền và gia tăng lượt xem.
Nói một cách đơn giản, network là nơi tập hợp các thương hiệu được tuyển chọn (các kênh YouTube) để đến tay người tiêu dùng (người xem).
Tại Việt Nam, mô hình này từ lâu đã rất phổ biến với các cái tên như Điền Quân, MeTub, Pops, VieOn…
“Các kênh nhỏ thường không chọn vào network. Tuy nhiên, khi kênh đã lớn, tức tầm ảnh hưởng rộng, họ sẽ chọn tham gia các mạng đa kênh này để được hỗ trợ tốt hơn từ YouTube”, Vinh Thành, quản trị viên của nhóm cộng đồng sáng tạo nội dung có 260.000 thành viên cho biết.
Ngoài bảo trợ các kênh YouTube, nhiều network lớn còn nhận quảng cáo từ nhãn hàng. Những video quảng cáo sẽ được các YouTuber của network thực hiện và đăng tải trên nền tảng YouTube.
YouTube và các network cần chịu trách nhiệm
Như vậy, thay vì quản lý nội dung từng kênh, cơ quan chức năng có thể tương tác trực tiếp với các mạng đa kênh như một cách kiểm duyệt nội dung đầu vào, nguồn tiền từ YouTube đổ về cho các YouTuber tại Việt Nam.
“Tuy vậy, không phải network nào cũng làm việc hiệu quả. Một số không đảm bảo kiểm soát được nội dung của các kênh YouTube”, ông Vinh cho biết.
Trước đó, Yeah1 là một ví dụ điển hình cho việc mạng đa kênh buông lỏng kiểm soát nội dung.
Năm 2017, một kênh YouTube thuộc Yeah1 đã đăng tải những clip gán mác dành cho trẻ em nhưng truyền đạt nội dung với hình ảnh dung tục, nhảm nhí. Đặc điểm chung của các clip này là sử dụng các nhân vật được trẻ em yêu thích như công chúa Elsa, Spiderman để thu hút người xem.
Sau đó, chủ kênh này bị phạt tiền 30 triệu đồng theo quy định tại điểm D, khoản 3, điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, đơn vị mạng đa kênh là Yeah1 Network bị phạt hành chính 20 triệu đồng vì không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật.
“Nếu nghiêm túc trong việc yêu cầu các MCN kiểm duyệt nội dung và bắt buộc các kênh YouTube phải tham gia MCN thì vấn đề nội dung nhảm nhí có thể được kiểm soát phần nào”, ông Vinh nhận định.
Bên cạnh đó, một số mạng đa kênh trong quá trình tư vấn nội dung, thường đưa ra những “công thức”, “xu hướng” câu view để các kênh trong network cùng khai thác.
Trong năm 2018, xu hướng nội dung được các mạng đa kênh hướng tới là troll (trêu chọc). Trong số đó, kênh YouTube của PHD đã sử dụng bột trắng để đóng giả ma túy troll người thân. Đến đầu năm 2019, xu hướng này là các kênh vlog ẩm thực dân dã.
Trong đó, kênh YouTube của Hậu Cáo đã nướng sống một con mèo để ăn. Kênh Tam Mao thuộc network Yeah1 đã làm thịt một con diều hoa Miến Điện…
Tuy vậy, đến ngày 19/7/2019, sau sự cố của network Yeah1, YouTube đã ngăn các website phân tích tiếp cận thông tin về mạng đa kênh.
Theo đó, người dùng (hay cơ quan quản lý) không còn công cụ để tìm hiểu thông tin kênh YouTube nào thuộc network nào. Đây là một động thái của Google giúp các network “ẩn thân” hơn và che giấu mối liên hệ giữa các network với các kênh video trên YouTube.
Thuý Minh | MarketingTrips
Theo Zing