Những người lính 'bốn cùng' trong khu cách ly

HÀ NỘI: Đại úy Lê Phi Hùng mặc nguyên đồ bảo hộ, định ngồi nghỉ ở ghế trực. Xe chở người từ sân bay Nội Bài lại đổ về.

Lúc đó là 4h sáng 19/3. Hai bàn tay đập đập lên đầu, anh Hùng chớp đôi mắt cay xè, xua cơn buồn ngủ rồi cùng đồng đội vào việc. Một nhóm chuẩn bị phòng, đồ ăn nhẹ, nước uống, nhóm kia tiếp nhận, hỗ trợ làm thủ tục ở sảnh và nhập dữ liệu tờ khai y tế. Những gương mặt mệt mỏi bước ra xe sau chuyến bay dài, lỉnh kỉnh valy, balo và thùng hành lý. Hùng hỏi thăm sức khỏe, chốt số lượng người về của từng xe rồi giúp mang đồ, phát tờ khai y tế và xếp họ vào các phòng trong cơ sở cách ly.

Đêm đó, ánh đèn không tắt ở khu ký túc xá sinh viên Pháp Vân ­-Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai. Trong vòng bảy tiếng, từ 22h tối 18/3 đến 5h sáng hôm sau, đại úy Hùng cùng đồng đội đã tiếp nhận 447 người về đây cách ly.

Xuyên đêm đón người về cách ly trong KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, rạng sáng 19/3. Ảnh: Ngọc Thành.

Xuyên đêm đón người về cách ly trong KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, rạng sáng 19/3. Ảnh: Ngọc Thành.

Trong các trung tâm cách ly dễ bắt gặp những người như đại uý Hùng. Họ trong bộ đồ bảo hộ chỉ còn lộ ra đôi mắt, có khi sẽ là người dẫn đường, chăm sóc y tế, người ngồi lấy thông tin sức khỏe, người đưa cơm nước, vận chuyển đồ thân nhân gửi vào hàng ngày. 14 ngày người dân cách ly bắt buộc, họ sẽ "cùng ăn, cùng ở, cùng chăm sóc, cùng cách ly". Họ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từng giờ khi tiếp xúc hàng trăm người về từ vùng dịch. Không ai trong số họ biết ngày mai mình có thể sẽ thành F1, cũng có thể là F0.

Ngày 18/3, Lê Phi Hùng buông đũa cơm trưa trong nhà ăn đơn vị lúc 11h15. Mười lăm phút sau, trong phòng họp giao ban, 30 cán bộ chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai được điều động "ngay lập tức" lên đường tham gia tổ công tác phục vụ trong khu cách ly. Không ai kịp chuẩn bị tư trang, vài người tranh thủ qua phòng cầm vội theo cái vỏ chăn.

Hùng chần chừ, không biết có nên gọi điện báo tin cho vợ vì "kiểu gì cô ấy cũng khóc cho xem". Mười năm vào bộ đội, có lần xa nhà hàng tháng để sơ tán, cứu hộ người dân gặp lở đất, bão lụt, cháy rừng, Hùng vẫn luôn là người gọi điện về nhà động viên ngược lại vợ. "Anh bảo hộ kỹ lắm, có làm sao đâu mà em lo". Hùng vội dập máy, không dám nói lâu, đầu dây kia đã thút thít.

Trong cơn mưa dầm tháng ba, 30 người có mặt tại khu cách ly chỉ nửa tiếng sau khi nhận nhiệm vụ. Khu ký túc xá 500 phòng với sức chứa 4.000 người vẫn còn hàng trăm sinh viên lưu trú, các phòng khóa cửa với nhiều đồ đạc. "Chiến dịch thần tốc" được lên kế hoạch.

Cùng với dân quân huy động từ 14 phường của Hoàng Mai, tổ công tác có khoảng 6 tiếng để hỗ trợ sinh viên chuyển nơi ở, niêm phong đồ đạc bảo quản dưới kho và vệ sinh, khử trùng 19 tầng nhà, chuẩn bị bàn trực ban, nhu yếu phẩm, chăn màn, vật dụng cá nhân lấp kín các phòng, sẵn sàng đón người về từ sân bay bất cứ khi nào.

Phút nghỉ ngơi trong khu cách ly lúc đợi xe về, rạng sáng 19/3. 

Phút nghỉ ngơi trong khu cách ly lúc đợi xe về, đêm 18/3. ảnh: Ngọc Thành.

22h, chiếc xe đầu tiên đỗ trước sân gồm 14 du khách nhiều quốc tịch. Ba người trong số họ không muốn xuống xe. "Bạn tôi hình như ở khách sạn, sao tôi lại phải ở đây?". Đoàn khách du lịch gồm 8 người, từ sân bay Nội Bài, lên hai xe đến 2 khu cách ly khác nhau. Trong khi đó, một nữ du khách Nga sau khi đồng ý về khu cách ly, đổi ý, muốn trở về Moskva. Hùng cùng đồng đội vận dụng vốn tiếng Anh ít ỏi, cố gắng giải thích và thuyết phục.

Ngay sau đó, đoàn xe ba chiếc 29 chỗ chở các hành khách Việt Nam đến. "Chú ơi đổi phòng cho cháu", "Đồ của em lên chưa anh?", "Anh giải quyết cho tôi cái chăn khác", "Chỗ tờ khai này em phải điền cái gì?". Đại uý Hùng không nhớ đêm đó mình đã trả lời bao nhiêu câu hỏi, bước bao nhiêu tầng nhà và ghi bao nhiêu số điện thoại vào cuốn sổ trực, cũng không nhớ, đêm đó mình có kịp ăn gì.

Mỗi tầng có một bộ đội và bốn dân quân phụ trách 28 phòng, mỗi phòng 8 người. Giữa những đợt đón khách vào, các thành viên trong tổ tranh thủ ngồi xuống bất cứ đâu, "tranh thủ chợp mắt chứ không dám ngủ", chuyến xe tiếp theo có thể đỗ trước cửa bất cứ lúc nào.

Ba ngày trôi qua, Hùng và đồng đội chưa được đặt lưng xuống giường. Đôi vành tai, sống mũi họ đều đã đỏ ửng vì những vệt hằn kính bảo hộ và khẩu trang. Những vật dụng này, cùng bộ đồ bảo hộ, họ chỉ cởi ra khi ăn và đi vệ sinh. Đại uý đùa rằng phải hạn chế cả đi vệ sinh. "Cởi quần áo ra lại phải khử trùng lại từ đầu, nhiều thủ tục lắm, nên cứ mặc trên người thôi ".

Đội phục vụ ăn những suất giống người cách ly, cơm với cá, hoặc thịt gà, lợn kèm rau và tráng miệng do sân bay Nội Bài chu cấp. Hùng bảo mình ăn 3 suất đấy chắc mới tạm no. "Nhưng mọi người ăn sao mình ăn vậy", anh cười.

Ngày 20/3, các đợt tiếp nhận kéo dài từ 9h đến 17h mới tạm vãn. Suất cơm trưa đã nguội ngắt. Miếng cơm của họ luôn thoảng mùi cao su. Hùng nhận ra, "thủ phạm" là đôi găng cao su đã bít hơi tay mình suốt mấy ngày.

Bộ đội phục vụ trong khu cách ly đưa cơm chiều 20/3 tại Trường quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô. Ảnh: Giang Huy.

Bộ đội phục vụ trong khu cách ly đưa cơm chiều 20/3 tại Trường quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô. Ảnh: Giang Huy.

Cùng lúc ấy, cách 60 km về hướng Tây, trong bếp ăn trường Quân sự Bộ tư lệnh thủ đô, bảy chàng trai ngồi chia nước mắm, sắp đũa, chuẩn bị cơm cho 776 người trong trung tâm cách ly. Họ là lính Tiểu đoàn Thông tin 610 đóng ở Hoàng Mai, lên Sơn Tây tiếp sức cho Trường quân sự từ 26/2. Cơ sở này tiếp nhận các công dân Việt Nam về cách ly khi Hàn Quốc bùng phát Covid-19.

Trịnh Thế Anh, thiếu uý 23 tuổi, cuốn dây chun buộc túi nước mắm với tốc độ 10 giây một gói, "nhanh hơn đấu dây thông tin". Chàng trai quê Quỳnh Phụ, Thái Bình gọi công việc này là "đóng kiện để xuất đi nước ngoài". Những ngày đầu không quen, thi thoảng sợi chun tuột khỏi tay, nước mắm văng ra bắn vào mặt đồng đội. Có lúc cậu quen tay gãi đầu, tóc nồng nặc mùi nước mắm.

Ngày đầu tiên trong trung tâm cách ly, Thế Anh đi bộ 17.323 bước, lên xuống hơn trăm lượt cầu thang năm tầng, ôm chăn chiếu, lau phản, quét phòng, dọn giường đón người về cách ly. Ngày tiếp theo, cậu có mặt trong tổ phục vụ 40 người làm việc trong "vòng đặc biệt".

Trung tâm cách ly chia làm ba vòng. Ngoài cùng là vòng bảo vệ gồm các chốt canh gác, ngăn cách với bên trong bằng barie. Vòng giữa an toàn là nơi làm việc của tổ hậu cần 40 người, nấu nướng chuẩn bị cơm. Vòng đặc biệt nằm trong cùng - khu cách ly gồm toàn bộ khuôn viên hai toà nhà năm tầng với 90 phòng ngủ và sinh hoạt chung. 40 người phục vụ trong này gồm bộ đội, y tế, lái xe, nhân viên khử trùng không được ra khỏi khu cách ly - nơi được giới hạn bằng cổng sắt và một hàng rào dây thép gai khác.

"Cơm có ngon không? Có đói không? Có thiếu gì không?", những người trong phòng 201 đến 203 thường xuyên nhận được câu hỏi từ "chú bộ đội". Thế Anh, trong bộ đội bảo hộ màu xanh, ngày gõ cửa đưa cơm ba lần. Đợi người dân ăn xong, tổ "anh nuôi" thu dọn toàn bộ hộp nhựa mang đi đốt. Họ ném tất cả xuống cái hố đào sẵn ở bãi đất trống cách toà nhà mấy trăm mét, tẩm dầu đợi cháy hết rồi rắc vôi bột lên phòng dịch. Công việc kết thúc, họ mới trở về phòng tập thể ăn cơm.

Cậu nhớ ba cô em gái ở nhà khi nhìn những thanh niên tuổi đôi mươi, gương mặt phờ phạc sau khi trở về từ tâm dịch Hàn Quốc, cố "giúp được cái gì thì sẽ làm đến cùng". 22h mỗi đêm, hành lang chỉ còn tiếng bước chân người phụ trách đi nhắc nhở các phòng tắt điện và ngủ đúng giờ. Tổ phục vụ chia nhau gác, sẵn sàng trợ giúp khi người dân cần. "Chú bộ đội ơi, lên bật giúp cháu cái quạt". "Chú bộ đội ơi, phòng cháu có người bị sốt". "Chú bộ đội ơi, cho chị mượn cái ấm cắm nước pha sữa cho trẻ con"... Những ngày ấy, ngả lưng xuống giường là cậu trai ngủ quên trời đất.

Thế Anh giấu mẹ chuyện phục vụ trong trung tâm cách ly được ba ngày. Mỗi lần nhà điện lên, cậu chỉ nhận cuộc gọi âm thanh để không ai nhìn thấy nơi cách ly, rồi lấy cớ đang làm nhiệm vụ để tắt máy sớm. Người mẹ sinh nghi, gọi liên tục vào buổi tối. Cậu con trai cuối cùng đành nói thật, chỉ nghe tiếng mẹ thở dài qua điện thoại, dặn nhớ đừng bỏ khẩu trang.

Bữa sáng vội trong trung tâm cách ly, giữa giờ đưa cơm của thiếu uý Trịnh Thế Anh. Ảnh: P.X.

Binh nhất Lê Trung Hiếu chia sẻ "đây là nhiệm vụ đặc biệt nhất" từ ngày vào quân đội. Ảnh: P.X.

Ngày 12/3, đợt người cuối cùng về từ Hàn Quốc rời trung tâm cách ly. Thế Anh cùng tổ phục vụ cũng được bước ra ngoài hàng rào sắt. Nhưng châu Âu "vỡ trận" trước Covid-19, người Việt ồ ạt hồi hương. Nội Bài ngày 15/3 tiếp nhận gần nghìn người nhập cảnh. Một nửa trong số đó được đưa về cách ly tại Trường quân sự Sơn Tây. Đó cũng là ngày mà Thế Anh cùng đồng đội "quay cuồng" từ sáng đến đêm. Cậu ra vòng giữa phục vụ cơm nước, đồng đội thay thế vào trong vòng cách ly.

Những chuyến xe lần lượt đưa người về Trường quân sự lúc nửa đêm. Tổ phục vụ thức xuyên đêm lo cơm nước để người dân nhận phòng xong không bị đói. Có người mệt quá, gục lên vai đồng đội và vùng dậy ngay khi nghe tiếng động cơ ôtô. 2h sáng họ đi ngủ, 4h lại lục đục kéo nhau dậy phụ nhà bếp nhặt rau, chia cháo, chia xôi chuẩn bị bữa sáng.

"Mệt, nhưng vui, vì thấy các bạn đã thoát được tâm dịch, về nhà bình an", anh lính 23 tuổi nói.

Tổ phục vụ kiêm luôn "người vận chuyển" đồ gia đình gửi vào cho con em đang cách ly. Nhìn những bạn trẻ nhận được trà sữa, hoa quả, bánh kẹo từ nhà, cậu chạnh lòng nhớ mẹ. Đêm trước ngày nhận lệnh đi tăng cường, Thế Anh gọi cho nhà, báo tin tranh thủ hai ngày phép sẽ về thăm quê. Cậu con trai cả xa nhà từ Tết, dặn mẹ nấu canh cua, cà pháo đợi cơm. Điện thoại vừa dứt liền có lệnh chỉ huy gọi lên. Cậu điện tiếp về nói "con đi làm nhiệm vụ". Hai cuộc điện thoại chỉ cách nhau một tiếng đồng hồ.

Covid-19 vào giai đoạn lây lan toàn cầu, Việt Nam có sự thay đổi trong chiến lược ứng phó. Từ 21/3, mọi hành khách đến Việt Nam bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Hơn 16.500 người đang cách ly tập trung trong các doanh trại quân đội. Những người lính như đại uý Hùng hay Thế Anh luôn trong tâm thế "nhận nhiệm vụ là đi".

Những ngày này, Ban chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai chỉ còn lại 20 người. Trực ban đơn vị có thêm gương mặt nữ quân nhân. Trung úy Nguyễn Thị Thường là văn thư, giờ kiêm thêm cả trực ban, đi cơ sở, có khi gác đến 20h. "Các anh trên tuyến đầu, mình cũng phải lao vào gánh vác hậu phương".

Chị nhìn ra ngoài, giờ này mọi khi, trên sân đơn vị sẽ rộn rã tiếng hò reo lúc anh em chơi cầu lông, bóng chuyền. Những người chỉ huy dù nóng ruột, cũng không dám gọi điện nhiều vào trong khu cách ly vì "sợ gọi lúc bận, anh em lại rối".

Đại úy Lê Phi Hùng cũng không dám gọi điện nhiều về nhà. Hai ngày sau khi vào trung tâm cách ly, anh mới rảnh để rửa mặt, gọi cho vợ cuộc đầu tiên. Phần vì bận, phần vì "sợ nghe giọng mình, rồi cô ấy lại khóc".

 theo VNEXPRESS

Thanh Lam - Hoàng Phương

BẠN CẦN THÊM THÔNG TIN ?

CHÚNG TÔI CAM KẾT TƯ VẤN ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN VÀ HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ CHO CÁC BẠN !

Các bạn vui lòng điền số điện thoại để nhận được tư vấn miễn phí.

Đối tác của chúng tôi

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ QUỐC TẾ PHONG VÂN